Bát canh cá cháo quê nhà

Món canh cá cháo với vị cay của ớt, vị đắng của cải nhưng lại không hề làm giảm đi vị ngọt mềm của cá. Nó trộn lẫn vào nhau như cuộc đời đa sắc để nổi lên vị ngọt ngào. Bát canh cá cháo không chỉ là món ăn ngon theo mùa, mà còn mang đến cả hương vị quê nhà.

Có một người, trong một chiều đông lạnh giá nơi Thủ đô, dâng lên nỗi niềm nhớ quê. Chiều nay, Hường mời bạn cùng Thu Thủy về với ký ức mùa đông nơi quê nhà, nơi có một món ăn dân dã mà đậm tình quê hương, món canh cá cháo Xứ Nghệ.

"Thu xếp về quê một chuyến đi, nay cá cháo ngon lắm rồi đấy, về kẻo hết mùa thì đừng nói lời tiếc nuối nhé...", lời người bạn văng vẳng bên tai đã khiến tôi nửa muốn quay về, nửa ngại mùa đông.

Đã muốn tránh rét bấc, đã sợ sự buốt cóng luồn vào da thịt nhưng đâu thể dửng dưng với mùa đông được. Mùa đông, không hiểu sao ở biển lại là mùa của con cá cháo. Loài cá này các miền thường gọi là cá khoai, xứ Nghệ gọi là cá cháo. Cái tên gọi đặc tả cụ thể chất thịt của con cá, rặt một kiểu chất phác của người quê.

Món canh cá cháo xứ Nghệ.

Phải theo mùa, phải có duyên mới được thưởng thức cá cháo theo cách nấu đơn giản nhưng đặc sắc của món canh cá cháo. Con cá thuôn dài, đuôi màu xám nhẹ, thịt trong veo như thạch, xương mềm. Cá cháo lưới, chỉ được vài cân khi thuyền đi lộng về, tươi trong.

Đồng hành cùng con cá cháo nổi lên theo con nước là hành tăm đã lên xanh, củ nhỏ xíu, rễ loằng ngoằng. Giống hành tăm, người xứ Nghệ lúc dùng xông hơ cho đứa trẻ sơ sinh, khi là gia vị món gà xáo trứ danh. Tất cả các món chế biến từ đồng ruộng hợp với hành tăm như người xứ Nghệ hợp với câu hò điệu ví là vậy. Hành tăm không thể thiếu được để ướp con cá cháo. Nó có vị cay tính ấm.

Các nguyên liệu nấu món canh cá cháo.

Bát canh cá cháo chỉ có trong mùa lạnh và cũng chỉ ngon khi thưởng thức vào trời lạnh. Vài quả cà chua bổ cau xào qua đun lấy nước dùng rồi bỏ thứ rau cải đúng vụ càng cay càng tốt; cá đã được ướp thì là, hành tăm cả cây lẫn củ, kèm với ớt bột. Khi nồi nước dùng sôi già, bỏ rau cải và cá vào, để sôi vài ba phút, thêm chút thì là nữa là đã có món ăn ngon tuyệt.

Ăn canh cá cháo chẳng ngại húp xì xụp. Vị cay của ớt, vị đắng của cải không hề làm giảm đi vị ngọt mềm của cá. Nó trộn lẫn vào nhau như cuộc đời đa sắc để nổi lên vị ngọt ngào. Kể cũng lạ, thực phẩm để làm nên bát canh cá cháo là tanh, cay, chua, hắc nhưng khi lên món, nó lại hấp dẫn đến vậy. Màu sắc rõ nét: xanh của cải và lá hành tăm, trắng ngần của thịt cá còn nguyên khúc, đỏ của cà chua và thấp thoáng ớt bột. Phải chăng đó là màu quê hương, vị nhớ thương theo tuổi theo mùa, thiên nhiên dẫu khắc nghiệt cũng ưu đãi chút ít cho người quê./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ở ngôi làng có một ngôi chùa nhỏ không biết đã ở đó từ khi nào, mái ngói nhuốm màu cổ kính rêu phong. Thỉnh thoảng khi thấy lòng mệt mỏi, có người lại đến chùa dâng hương và tìm chút bình an.

Mười năm nhanh như một cái chớp mắt. Những đứa con đã có cửa có nhà, có khoảng trời ấm êm bên gia đình nhỏ. Nhưng thỉnh thoảng bất giác, nhìn lên bầu trời xanh thẳm, những đứa con lại nhớ thương da diết bóng hình người cha đã từng tảo tần nuôi dạy con nên người.

Có những ngày khi nhìn vào khoảng không vô định trước mặt, có người lại tự hỏi: Nỗi buồn có màu gì?

Một ngày bận rộn xoay vòng với công việc, có người rời khỏi cơ quan với cơ thể mệt rũ rượi. Ý nghĩ duy nhất thường trực trong cô vào thời điểm ấy là làm thế nào để bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân?

Gió về, những cơn gió từ dãy Trường Sơn thổi chút mơn man trong vạt nắng hanh hao. Hơi ẩm giữ lại phía sườn Tây, đến sườn Đông chỉ còn cái bền gan kiên chí tới nóng rẫy.

Có người luôn lo lắng rằng tình nghệ sĩ đắm đuối, mơ mộng, nhưng hư ảo và khó thành đôi. Yêu đó rồi xa đó, như gió thoảng mây bay. Anh cũng từng nói với cô, hai người có nợ nhau từ kiếp trước, kiếp này tìm nhau để trả…