Bốn mùa gánh Tết trên vai

Trong ký ức những ngày thơ ấu xa xưa, khi bố mẹ lục tục rửa lá, đãi đậu gói bánh chưng là biết Tết đang về. Giờ đây, ta có thể dễ dàng tìm thấy bánh chưng ở bất kể nơi đâu, bất kể thời gian nào, bởi có những người phụ nữ bốn mùa gánh Tết trên vai.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe Xuân Chinh kể câu chuyện về người mẹ kính yêu, người mẹ bốn mùa gánh Tết trên vai…

Mẹ kể, những ngày thơ ấu của mẹ, chiếc bánh chưng xanh là dấu hiệu của ngày Tết đang về. Thế nhưng bây giờ, cả sáng sớm tinh sương lẫn chiều muộn mỗi ngày, mẹ gánh trên vai đôi thúng ủ những chiếc bánh nóng hôi hổi đi khắp làng trên xóm dưới, khắp những con đường vương vấn dấu làng quê.

Mùa xuân, mẹ góp thêm không khí Tết cho làng xóm. Gánh hàng nặng thêm vì những chiếc bánh chưng mà mẹ mang đi giao cho các cô bác trong làng đặt trước. Cuộc sống hối hả bận rộn đến tận ngày cuối năm, nhiều gia đình nhờ mẹ gói bánh chưng để dành thời gian cho những công việc khác trong nhà. Gánh bánh chưng của mẹ bởi vậy như nhuộm thẫm hơn màu hồng của cánh đào, màu vàng của cánh mai vương vấn trên màu xanh của lá. Những chiếc bánh vuông vắn đậm đà.

Mùa hạ, mồ hôi mẹ đổ nhiều hơn cho gánh hàng rong. Nóng bức là vậy nhưng khách quen là các ông, các bà hay hát chèo ở sân đình vẫn ngóng gánh bánh chưng xanh nóng hổi của mẹ sau mỗi chiếu chèo kết thúc. Khách phương xa đến thăm làng cũng lấy làm thích thú với gánh hàng rong của mẹ. Nhất là thi thoảng có khách nước ngoài. Họ tấm tắc khen bánh chưng thơm ngon.

Ảnh minh họa

Mùa thu, mẹ đi qua cổng trường làng nhiều hơn. Học sinh trường làng quen thuộc món bánh chưng của mẹ - thứ đồ ăn sáng không bao giờ chán. Màu bánh chưng xanh dịu như mùa thu vậy. Cô trò nhỏ cắn một miếng bánh giữa tiết trời thu, thấy gió heo may đưa hương gạo nếp bánh chưng lan tỏa. Chiếc bánh chưng giản dị, mộc mạc.

Mùa đông, mẹ gánh bánh ra chợ từ lúc tang tảng sáng, lúc gió lạnh cuốn từng hồi như cơn lốc. Dáng mẹ nhỏ gầy liêu xiêu. Đôi quang gánh lắc lư. Bàn tay gầy guộc lấy bánh cho khách, con chợt thấy bàn tay ấy run run. Thuở nhỏ con hay ngốc nghếch hỏi: "Phải chăng mẹ thương chiếc bánh chưng bị lạnh?" Giờ con đã đủ lớn để biết bàn tay ấy đã tê buốt dường nào. Con thương mẹ lạnh. Chiếc bánh chưng luôn được mẹ giữ cho ấm áp.

Bốn mùa mẹ gánh Tết trên vai đi khắp xóm làng. Với mọi người, không khí Tết ấy là những chiếc bánh chưng trong đôi quang gánh của mẹ. Với mẹ, không khí Tết là được cầm những đồng tiền lẻ sau mỗi ngày bán bánh chưng về nhà để mua cho con thức ăn hay quần áo mới. Còn với con, mẹ ơi, ngày nào cũng là Tết vì con được cùng mẹ gói bánh chưng, nấu bánh chưng. Mẹ là mùa xuân, là Tết của đời con. Con yêu mẹ!

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ở ngôi làng có một ngôi chùa nhỏ không biết đã ở đó từ khi nào, mái ngói nhuốm màu cổ kính rêu phong. Thỉnh thoảng khi thấy lòng mệt mỏi, có người lại đến chùa dâng hương và tìm chút bình an.

Mười năm nhanh như một cái chớp mắt. Những đứa con đã có cửa có nhà, có khoảng trời ấm êm bên gia đình nhỏ. Nhưng thỉnh thoảng bất giác, nhìn lên bầu trời xanh thẳm, những đứa con lại nhớ thương da diết bóng hình người cha đã từng tảo tần nuôi dạy con nên người.

Có những ngày khi nhìn vào khoảng không vô định trước mặt, có người lại tự hỏi: Nỗi buồn có màu gì?

Một ngày bận rộn xoay vòng với công việc, có người rời khỏi cơ quan với cơ thể mệt rũ rượi. Ý nghĩ duy nhất thường trực trong cô vào thời điểm ấy là làm thế nào để bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân?

Gió về, những cơn gió từ dãy Trường Sơn thổi chút mơn man trong vạt nắng hanh hao. Hơi ẩm giữ lại phía sườn Tây, đến sườn Đông chỉ còn cái bền gan kiên chí tới nóng rẫy.

Có người luôn lo lắng rằng tình nghệ sĩ đắm đuối, mơ mộng, nhưng hư ảo và khó thành đôi. Yêu đó rồi xa đó, như gió thoảng mây bay. Anh cũng từng nói với cô, hai người có nợ nhau từ kiếp trước, kiếp này tìm nhau để trả…