EU cân nhắc dừng nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2027
Kế hoạch này đánh dấu bước đi quyết liệt tiếp theo trong nỗ lực của EU nhằm chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow, kể từ sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022.
Theo các nguồn thạo tin, Liên minh châu Âu (EU) sẽ đề xuất lệnh cấm ký mới bất kỳ hợp đồng khí đốt nào với Nga, kể cả giao dịch trên thị trường giao ngay, với thời điểm có hiệu lực dự kiến vào cuối năm nay. Đặc biệt, kế hoạch mới không chỉ dừng ở các hợp đồng tương lai, mà còn bao gồm cả các hợp đồng dài hạn hiện hữu - dù các bên liên quan sẽ có thời gian chuyển tiếp đến cuối năm 2027 để chấm dứt hoàn toàn.

Để được thông qua, các đề xuất pháp lý này cần có sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu và sự ủng hộ của đa số các nước EU.
EU đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với than và dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, nhưng không áp dụng đối với khí đốt do kế hoạch này vấp phải sự phản đối của Slovakia và Hungary, những nước vẫn nhận nguồn cung cấp qua đường ống từ Nga và cho rằng việc chuyển sang các nhà cung cấp khác sẽ làm tăng giá năng lượng.
Bất chấp các tuyên bố giảm phụ thuộc, Nga vẫn là một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn của châu Âu. Dòng chảy khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ và các chuyến hàng LNG vẫn đều đặn chảy vào lục địa già. Năm 2024, Nga chiếm 17,5% tổng lượng LNG nhập khẩu của EU, chỉ đứng sau Mỹ với 45,3%.
Đáng chú ý, ba quốc gia là Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ hiện đang tiêu thụ tới 85% lượng LNG của Nga xuất sang châu Âu, theo Viện Phân tích Kinh tế và Năng lượng (IEEFA). Điều này từng khiến đề xuất cấm LNG Nga trong gói trừng phạt thứ 16 của EU hồi tháng 2/2025 bị bác bỏ, do vấp phải sự phản đối của các nước này.
Trong nỗ lực cắt đứt mối quan hệ năng lượng kéo dài hàng thập kỷ với Nga, Ủy ban châu Âu đã ra tín hiệu sẵn sàng mua thêm LNG của Mỹ, một bước đi mà Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu châu Âu như một cách để thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, không ít nhà phân tích lo ngại rằng việc từ bỏ LNG Nga vào thời điểm này có thể khiến EU mất đi một đòn bẩy quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, trong bối cảnh Brussels đang vận động để được giảm thuế với hàng hóa châu Âu.
Một bài viết gần đây của Reuters cũng nêu quan điểm tương tự, cho rằng Washington có thể tận dụng sự phụ thuộc LNG để đàm phán theo hướng có lợi hơn cho chính mình.
Trong khi giới chức châu Âu nỗ lực đẩy Nga khỏi bản đồ năng lượng, một số lãnh đạo công nghiệp trong khu vực lại cảnh báo về khủng hoảng sản xuất ngày càng sâu sắc do chi phí năng lượng tăng cao. Một số tiếng nói đã công khai đề nghị xem xét lại việc nối lại nhập khẩu khí đốt giá rẻ từ Nga để cứu vãn ngành sản xuất. Trong khi đó, Nga nhiều lần khẳng định nước này vẫn là đối tác cung cấp năng lượng đáng tin cậy. Moscow cũng lên án các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại của phương Tây là “vi phạm luật pháp quốc tế”, đồng thời tăng cường xuất khẩu sang các thị trường được xem là “thân thiện hơn”.


Bộ trưởng Quốc phòng cùng Thủ tướng Israel đã chỉ thị cho Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tăng cường tấn công vào các mục tiêu chiến lược tại Iran.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các nhóm đàm phán của Nga và Ukraine đang duy trì liên lạc và sẵn sàng nối lại các cuộc hòa đàm trực tiếp sau ngày 22/6.
Triều Tiên nhấn mạnh quan hệ vững chắc với Nga, tái khẳng định tăng cường hợp tác song phương nhân kỷ niệm một năm ngày ký kết Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện với Moscow.
Israel không kích hàng loạt mục tiêu ở Thủ đô Tehran và gây ra nhiều vụ nổ lớn từ chiều đến tối muộn ngày 18/6, khiến xung đột Israel-Iran tiếp tục leo thang.
Bão Erick ở ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Mexico đã thành cấp 1 và sẽ tiếp tục mạnh lên, có thể trở thành siêu bão trước khi đổ bộ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow sẵn sàng đóng vai trò trung gian nhằm chấm dứt xung đột giữa Iran và Israel.
0