Kon Tum nỗi nhớ như rừng

Bạn đã một lần đến Kon Tum? Nếu chưa, nói như lớp trẻ bây giờ, hãy nhấc ba lô lên và đi! Nếu đã một lần đến, thì thêm một lần nữa, một lần nữa... Sau mỗi chuyến đi trở về, sẽ có bao nhiêu là kỷ niệm, là nỗi nhớ, nỗi nhớ Kon Tum... Rồi một phút giây nào đó, ta phải thốt lên: Ôi, Kon Tum nỗi nhớ như rừng...

Người ta hay so sánh một cách rất tự nhiên, khi rơi vào cảnh huống có nét gợi nhớ sự tương đồng. Như khi xỏ đôi tất ngày Hà Nội đón ngọn gió mùa, bao giờ cũng gợi tôi trận ốm nhớ đời sau khi rời Măng Đen. Ai mà nghĩ được xứ cao nguyên lại có nơi lạnh đến vậy. Sáng hôm đó nghe đâu là 6 độ C. Và một đứa không hề được chuẩn bị, bước chân trần xuống nền nhà. Sang Đắk Lắk thì cơn sốt bùng lên, nằm khách sạn đợi cô bạn bác sĩ mang thuốc tới, nói với nhau bằng giấy bút. Về Hà Nội cả tuần vẫn chưa tìm lại được giọng.

Từ khi biết Măng Đen, với tôi Kon Tum có một sự tiếc nuối. Sao người ta lại bỏ quên cái xứ sở thần tiên trên cao? Chỉ cần cái rét tê tái ấy, những hàng mimoza lá bạc nở chùm hoa xốp như những cụm len vàng nhỏ xíu, vẻ mướt mát của rừng, sự huyền hoặc của vùng đất một thời là “tổ fulro, thủ đô đu đủ”, hay những ngôi làng nhỏ nép dưới thung lũng... cứ giữ nguyên lành không gian ấy, Măng Đen đã đủ lãng mạn mê lòng.

Măng Đen đẹp hoang sơ và thuần khiết.

Cũng ở xứ ấy, tôi biết thêm một cách trữ lúa là rang lên. Người Mơ Nâm ăn thứ gạo rẫy cứng đến mức gọi là gạo bọc thép. Không rang lên thì lấy nắng đâu mà phơi. Mà chỉ giống ấy mới cho hạt được ở nơi quanh năm thiếu nắng thừa thãi sương mù và gió lạnh. Ngồi trong gian nhà sàn nhỏ tranh tối tranh sáng, ngắm người thiếu phụ kiên nhẫn rang lúa bên bếp củi giữa nhà, thấy ồn ào hiện đại của phố xá náo nhiệt như không có thực, như không hề tác động gì đến cuộc sống chậm rãi của những con người trầm lặng nơi này. Còn dưới kia, thành phố Kon Tum đang vào mùa khô, nắng nung khô khao cả người.

Một mùa khô, cận Tết, chúng tôi tiện đường tạt vào làng Đắk Mế của người Brâu ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Làng vắng tanh, cỏ xấu hổ mọc tận vách ván thưng, len vào cửa, cao lắm. Sau phút ngơ ngẩn cảm thán với những người chủ nhà đang không biết vơ vất nơi nào trong rừng sâu, thì giật mình tỉnh ra vì vắt. Tôi chưa từng thấy ở đâu mà bọn vắt to khoẻ đến thế, lại còn đông đàn kéo lũ, búng tanh tách về phía con mồi bỗng dưng xuất hiện trong một buổi chiều vắng lặng buồn tênh. Thế là khách ù té thoát thân, xe phóng xa rồi vẫn còn râm ran về cái cảnh lũ vắt quơ vòi tua tủa trên vách liếp. Người Brâu, vì số dân ít, nằm trong số những dân tộc ít người nhất ở Việt Nam, nên được nhà nước chăm chút quan tâm khá nhiều. Sau này, khi tôi gặp những người đàn ông Brâu mang chiêng ra Hà Nội trình diễn, nghe nhịp chiêng bùng bùng của họ, cứ hình dung như tiếng bước chân giẫm trên lá rừng của đoàn người du mục.

Đồng bào Brâu ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi. Ảnh: Baodantoc

Kon Tum là nơi giữ hình ảnh cung đường đẹp nhất trong đời tôi từng được qua. Con đường qua Đắc Glei ngày thị trấn cũ kỹ xuyên giữa đám dương xỉ khổng lồ vươn lên từ mép vực, hơi lạnh phủ mờ ảo dưới tầng cổ thụ nguyên sinh. Giá có thể ước để vẻ đẹp cổ xưa đến huyền hoặc ấy không biến mất.

Giá có thể ước quay về bên bờ Đắc Bla. Trong đêm ở nhà sàn, ngắm người già nằm bên bếp lửa trầm bổng hát chuyện chàng Đăm Dông, dù không hiểu một từ Banar nào vẫn nao nao nghĩ về một thời xưa cũ.

Kon Tum trong tôi nguyên vẹn mấy dãy phố ô vuông bàn cờ xanh um một loài nhãn cổ thụ gân guốc che rợp mái ngói lên rêu thời gian. Gặp bạn bè Kon Tum, cứ ngỡ như Kon Tum vẫn là Kon Tum trong nỗi nhớ của mình, tôi hỏi thăm cái quán cà phê Eva ngày thành phố còn thị xã mà lần nào tới Kon Tum cũng phải ghé, ngắm vỏ bom xếp làm hàng rào, treo lủng lẳng nơi cửa, ngẫm nghĩ về sự khốc liệt của chiến tranh và cả sự kỳ diệu của thời gian. Giờ thì miên man những quán cà phê, màu sắc, âm thanh lấn lướt, Eva thành ký ức rồi chăng?

Đèo Lò Xo. Ảnh: SKĐS

Trong chuyến vượt đèo Lò Xo quay lại Kon Tum, tôi cứ dõi tìm làng Măng Khên thuộc xã Đắc Man của người Giẻ Triêng, xưa vốn ven đường rợp dưới tán rừng cổ thụ. Nhưng đã thành xa vắng. Đường lớn qua đây, làng dời đi chốn nào? Còn hay mất những bó củi hứa hôn bằng chằn chặn xếp bên vách, dưới sàn nhà, ken vào nhau như những đóa hoa, khiến người qua ngỡ ngàng trước một vẻ đẹp siêu thực? Tôi cứ tự cho phép mình miên man trong nỗi nhớ đan giăng như những sợi dây níu cầu treo Kon Klor đưa người Banar vào phố.

Nỗi nhớ mọc lâu thành rừng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ở ngôi làng có một ngôi chùa nhỏ không biết đã ở đó từ khi nào, mái ngói nhuốm màu cổ kính rêu phong. Thỉnh thoảng khi thấy lòng mệt mỏi, có người lại đến chùa dâng hương và tìm chút bình an.

Mười năm nhanh như một cái chớp mắt. Những đứa con đã có cửa có nhà, có khoảng trời ấm êm bên gia đình nhỏ. Nhưng thỉnh thoảng bất giác, nhìn lên bầu trời xanh thẳm, những đứa con lại nhớ thương da diết bóng hình người cha đã từng tảo tần nuôi dạy con nên người.

Có những ngày khi nhìn vào khoảng không vô định trước mặt, có người lại tự hỏi: Nỗi buồn có màu gì?

Một ngày bận rộn xoay vòng với công việc, có người rời khỏi cơ quan với cơ thể mệt rũ rượi. Ý nghĩ duy nhất thường trực trong cô vào thời điểm ấy là làm thế nào để bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân?

Gió về, những cơn gió từ dãy Trường Sơn thổi chút mơn man trong vạt nắng hanh hao. Hơi ẩm giữ lại phía sườn Tây, đến sườn Đông chỉ còn cái bền gan kiên chí tới nóng rẫy.

Có người luôn lo lắng rằng tình nghệ sĩ đắm đuối, mơ mộng, nhưng hư ảo và khó thành đôi. Yêu đó rồi xa đó, như gió thoảng mây bay. Anh cũng từng nói với cô, hai người có nợ nhau từ kiếp trước, kiếp này tìm nhau để trả…