Nhiều bác sĩ chi 200-300 triệu 'chạy' chứng chỉ hành nghề giả
Liên quan đến vụ án “Môi giới hối lộ” và “Nhận hối lộ” trong đường dây mua bán chứng chỉ hành nghề y giả mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk vừa khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can, ngày 22/5, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang rà soát các trường hợp có liên quan đến vụ án để cung cấp thông tin theo công văn đề nghị của cơ quan cảnh sát điều tra.
6 bị can bị khởi tố gồm: Lê Thị Ánh Hồng (Sinh năm 1976, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Môi giới hối lộ”, Phan Văn Ánh (Sinh năm 1989, cựu cán bộ Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội Công an huyện Buôn Đôn) về tội “Nhận hối lộ”.
Ngoài ra, bốn bác sĩ bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ” gồm: Lê Anh Tài (Sinh năm 1978, trú tại Thừa Thiên - Huế), Hứa Chí Cường (Sinh năm 1981, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh), Huỳnh Văn Bình (Sinh năm 1970, trú tại tỉnh Bình Thuận) và Huỳnh Thành Giàu (Sinh năm 1976, trú tại tỉnh Đồng Tháp).

Vào năm 2018, Lê Thị Ánh Hồng làm việc tại Phòng khám Dr. Trung (đóng tại thành phố Buôn Ma Thuột) do ông Bùi Bình Trung (chồng của Hồng, hiện đã ly hôn) làm giám đốc. Thời gian này, Lê Thị Ánh Hồng có nói với một người tên Như Ý rằng, nếu ai có nhu cầu làm chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh thì giới thiệu để hưởng tiền hoa hồng.
Sau đó, Như Ý đăng thông tin lên mạng xã hội Facebook với nội dung “Hỗ trợ cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh”. Thấy thông tin đăng tải và giới thiệu của người quen, Huỳnh Thành Giàu, Huỳnh Văn Bình, Hứa Chí Cường và Lê Anh Tài liên hệ với Như Ý và được Như Ý cho số điện thoại của Lê Thị Ánh Hồng để nhờ làm chứng chỉ hành nghề.
Khoảng tháng 2/2018, Lê Thị Ánh Hồng liên hệ với Phan Văn Ánh nhờ làm thủ tục nhập hộ khẩu cho bốn trường hợp này vào huyện Buôn Đôn. Sau đó, Lê Thị Ánh Hồng nhờ người liên hệ Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên làm giấy xác nhận thực hành cho các bác sĩ nói trên. Trên cơ sở kiểm tra hồ sơ Lê Thị Ánh Hồng nộp, năm 2019, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã cấp chứng chỉ hành nghề cho bốn bác sĩ này.
Tháng 7/2018, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và Phòng khám bác sĩ Dr. Trung (ông Trung lúc đó là Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk) ký hợp đồng, đóng tiền học phí cho 7 bác sĩ “học nâng cao trình độ chuyên môn” thời gian 12 tháng. Tuy nhiên, sau đó chỉ có bốn bác sĩ nói trên nộp hồ sơ. Trong số bốn bác sĩ này, có người chưa từng tham gia thực hành tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nhưng bệnh viện này vẫn cấp giấy xác nhận thời gian thực hành cho cả bốn bác sĩ.

Có được giấy xác nhận, những người này nộp hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề y và được Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk chấp thuận. Không chỉ có vậy, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, mặc dù bệnh viện không có Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ nhưng để cấp giấy xác nhận, bệnh viện đã ký giấy xác nhận thực hành cho số bác sĩ này đã thực hành tại Khoa Chấn thương chỉnh hình. Thế nhưng, không hiểu sao Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk lại cấp chứng chỉ hành nghề y Phẫu thuật Thẩm mỹ cho cả bốn bác sĩ. Làm việc với cơ quan chức năng vào thời điểm 2019, các bác sĩ này đã khai nhận, mỗi người đã phải chi số tiền từ 220 triệu đồng đến 300 triệu đồng để “chạy” chứng chỉ hành nghề y.
Mở rộng điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra còn phát hiện có 18 trường hợp là y, bác sĩ được Lê Thị Ánh Hồng nhờ người làm thủ tục nhập hộ khẩu không đúng quy định vào một số hộ dân ở huyện Buôn Đôn. Những trường hợp này đều có tên tuổi cụ thể, sinh sống ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, vụ việc này được Sở phát hiện từ năm 2019, thời điểm đó phát hiện bốn bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề y trái quy định. Sau khi phát hiện, Sở đã tổ chức thu hồi các chứng chỉ đã cấp và chấn chỉnh công tác xác nhận thời gian thực hành cũng như cấp chứng chỉ hành nghề trong toàn đơn vị. Đối với 18 trường hợp cơ quan cảnh sát điều tra mới đề nghị, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đang khẩn trương rà soát để phản hồi Công an tỉnh Đắk Lắk.
Theo CAND


Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài khẳng định Hà Nội luôn đánh giá cao sự phối hợp tích cực, hiệu quả của của các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình phát triển của Thủ đô.
Bị cáo Nghiêm Quang Minh - chủ chung cư mini bị cháy khiến 56 người tử vong đã hầu toà phúc thẩm vào chiều 19/6.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị “hỏi nhanh, đáp gọn”, mỗi đại biểu chỉ chất vấn một vấn đề trọng tâm tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 9.
Thẩm mỹ viện quốc tế Gangnam (Gia Lai) bị đình chỉ sau vụ một người dân bị biến chứng nặng nề khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở này.
Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ mười bốn vào sáng nay, 19/6. Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương chủ trì Hội nghị.
Vẽ sơn quảng cáo, đổ hóa chất lên mặt đường hay xé rào tạo lối đi,… là những vi phạm thường thấy trên nhiều tuyến cao tốc hiện nay.
0