Vị đoàn viên
Chiều nay, Hường chia sẻ cùng bạn những dòng cảm xúc của Hoàng Hạnh trong một ngày cuối năm xa quê.
Đã nhiều năm trôi qua, cứ mỗi độ cận Tết, chẳng hiểu vì sao con lại mở bài hát “Xuân này con không về” và nghe đi nghe lại. Thời gian chầm chậm lắng đọng, đi qua những miền kí ức thương nhớ, lòng người lại nôn nao với mỗi nỗi niềm khắc khoải vào thời khắc chuyển giao. Hình như cũng đã năm năm, con không được ở bên mẹ vào những thời khắc đón giao thừa. Mỗi một độ xuân qua đi, hình ảnh những ngày Tết quây quần sum họp cứ nhen lên trong lòng con những nỗi nhớ quay quắt.
Con biết có những người còn đang cách xa gia đình tới nửa vòng trái đất. Và có lẽ họ cũng đang giống như con, chất chứa nỗi nhớ thương quê nhà khắc khoải. Con tin chắc một điều, cho dù bước chân con người có đi tới đâu, đôi khi vô tình lạc lối, thì con tim sẽ vẫn tìm về với quê hương, gia đình, về với nguồn cội. Cứ mỗi ngày tháng đi qua, những người con tha hương đều gắng gỏi làm việc thật chăm chỉ để rồi ước mong lớn nhất của họ là được trở về với gia đình trong ngày đoàn viên.

Chính trong thời điểm những ngày cuối năm này, con người ta mới lại càng thèm thuồng, khao khát cái hơi ấm của quê hương, của vòng tay gia đình. Con vẫn nhớ như in nồi lá mùi mẹ nấu vương vấn trong mùi Tết, nồi bánh chưng chiều ba mươi sôi sùng sục tỏa hơi ấm giữa mịt mờ sương khói... Con cũng đã nhớ về ngoại thật nhiều. Con nhớ về những khoảnh khắc giao thừa đoàn tụ của gia đình mình trong những ngày giáp Tết của nhiều năm trở về trước, những khoảnh khắc mà có lẽ suốt cả cuộc đời này con cũng không thể nào quên.
Ngoại đã đi xa. Tóc mẹ cũng mỗi ngày lại điểm thêm một vài sợi bạc. Lòng con càng bùi ngùi và da diết hơn khi mỗi lần lắng nghe câu hát: “Mỗi mùa xuân sang. Mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa Mẹ càng gần.” Cứ một mùa xuân qua đi, người ta lại ngỡ ngàng nhận ra có quá nhiều thứ khiến cho lòng người phải day dứt và tiếc nuối. Trong dòng chảy hối hả của thời gian, tuổi tác của những người con thương yêu lại thêm cao và những khoảnh khắc đoàn viên cơ chừng ngày càng ngắn lại. Con rưng rưng nhớ về quê nhà trong từng đêm thao thức, lòng chỉ thầm cầu mong sao cho những người thân của mình sẽ mãi mãi an lành.
Ngoài kia, từng đàn chim én đang ríu rít bay về. Những sắc mai đào đang duyên dáng, e ấp chờ ngày bung nhụy. Con nghe trong tim mình nỗi nhớ quê nhà cồn cào dậy sóng. Những ngày cuối năm, sao mà thao thiết nhớ hương vị của những ngày tháng đoàn viên./.


Ở ngôi làng có một ngôi chùa nhỏ không biết đã ở đó từ khi nào, mái ngói nhuốm màu cổ kính rêu phong. Thỉnh thoảng khi thấy lòng mệt mỏi, có người lại đến chùa dâng hương và tìm chút bình an.
Mười năm nhanh như một cái chớp mắt. Những đứa con đã có cửa có nhà, có khoảng trời ấm êm bên gia đình nhỏ. Nhưng thỉnh thoảng bất giác, nhìn lên bầu trời xanh thẳm, những đứa con lại nhớ thương da diết bóng hình người cha đã từng tảo tần nuôi dạy con nên người.
Có những ngày khi nhìn vào khoảng không vô định trước mặt, có người lại tự hỏi: Nỗi buồn có màu gì?
Một ngày bận rộn xoay vòng với công việc, có người rời khỏi cơ quan với cơ thể mệt rũ rượi. Ý nghĩ duy nhất thường trực trong cô vào thời điểm ấy là làm thế nào để bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân?
Gió về, những cơn gió từ dãy Trường Sơn thổi chút mơn man trong vạt nắng hanh hao. Hơi ẩm giữ lại phía sườn Tây, đến sườn Đông chỉ còn cái bền gan kiên chí tới nóng rẫy.
Có người luôn lo lắng rằng tình nghệ sĩ đắm đuối, mơ mộng, nhưng hư ảo và khó thành đôi. Yêu đó rồi xa đó, như gió thoảng mây bay. Anh cũng từng nói với cô, hai người có nợ nhau từ kiếp trước, kiếp này tìm nhau để trả…
0