Cải cách thủ tục hành chính gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
Dự án Hồ An Dương thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội được phê duyệt năm 1999. Chủ đầu tư là Công ty IDC đã đóng góp công sức, tiền của để xây dựng thêm khu phố mới, qua đó làm đẹp bộ mặt đô thị và cải thiện đời sống cho nhân dân. Dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, song trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và thay đổi về luật đất đai, chính sách nhà nước, dự án không được thực hiện trọn vẹn, còn nhiều tồn đọng vẫn chưa được xử lý dứt điểm, gây ra tổn thất cho Công ty, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của nhiều hộ dân.
Ông Hạp Tiến Thành - Khu tập thể Du lịch An Dương, quận Tây Hồ chia sẻ: "Chúng tôi đã chờ đợi dự án này gần 30 năm, rất khổ và rất vất vả".
Dự án vắt qua hai thế kỉ, qua 7 đời Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, với những hứa hẹn của các cấp trong gần 600 văn bản. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để. Điệp khúc được lặp đi lặp lại vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.
Ông Hà Quang Trung - Giám đốc điều hành Dự án Công ty IDC cho biết: "Đến giờ trải qua 25 năm, dự án trải qua rất nhiều nhiệm kỳ của các lãnh đạo thành phố và các đơn vị hành chính. Ở đây có sự vướng mắc rất lớn là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành. Ví dụ như xin phép xây dựng thẩm quyền của quận nhưng quận không dám thực hiện, lại phải hỏi xin ý kiến của thành phố, thành phố lại chỉ đạo ngược xuống Sở Xây dựng".
Rào cản trong giải quyết thủ tục hành chính gây nhiều phiền hà, thiệt hại và làm nản lòng các nhà đầu tư. Thực tế, có những dự án bất động sản đóng tới 40 con dấu từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá; có những thủ tục điều chỉnh quy hoạch liên quan rất nhiều cấp, sở, ngành, tốn rất nhiều thời gian.
Trước thực trạng đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có thước đo tài năng của các cấp địa phương. Đặc biệt là năng lực xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: "Đừng để doanh nghiệp chạy vòng tròn, trình bày mãi một vấn đề, cấp dưới rất hiểu nhưng không làm, cấp trên không hiểu lại không giao đúng thời gian, địa điểm. Tôi nghĩ, đã đến lúc đối với doanh nghiệp phải có '3 rõ': rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm; trên cơ sở đó việc xử lý trách nhiệm sẽ dễ dàng hơn".
Thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, nhưng cải cách như thế nào, thay đổi cái gì và ai chịu trách nhiệm? Đó là điều mà các doanh nghiệp mong mỏi. Họ hiểu rằng, khi cơ hội qua đi, thất bại xảy ra thì không cá nhân hay tổ chức nào nhận trách nhiệm. Hậu quả vẫn là người dân và doanh nghiệp gánh chịu.


Bộ Tài chính vừa có Thông tư về quản lý thuế theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Nguồn cung chung cư mới dồi dào nhưng phân khúc cao cấp vẫn chiếm chủ yếu, trong khi thiếu dự án bình dân như kỳ vọng của người dân.
Khoảng trống về pháp lý liên quan đến các vấn đề về quản lý, sử dụng và sở hữu là những nguyên nhân của tình trạng tranh chấp, khiếu kiện tại các khu chung cư.
Bộ Xây dựng vừa phản hồi kiến nghị của Ban quản trị chung cư New Skyline về việc HUD chậm quyết toán quỹ bảo trì tòa nhà tại phường Văn Quán, quận Hà Đông.
Chủ tịch UBND cấp xã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người dân từ 1/7.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, huyện Hoài Đức phối hợp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ dự án Nam đường 32, xử lý dứt điểm những tồn tại.
0